MÚA LÂN NGÀY TẾT : CẦU CHÚC NHÀ NHÀ TẤN TÀI TẤN LỘC
Tiếng trống lân sư rồng giòn giã trong ba ngày Tết đã trở thành âm thanh quen thuộc đối với mọi người. Sắc màu của lân kết hợp động tác múa uyển chuyển cùng với các nhạc cụ bộ gõ làm nổi bật hình ảnh ông lân, ông địa và đặc biệt hơn từ khi bộ phim Tây du ký của Trung Quốc trình chiếu trên Đài Truyền hình có nhân vật Tôn Ngộ không, còn gọi là Tề Thiên, được bổ sung vào đội lân đã làm sống động thêm các màn múa lân trong các dịp lễ hội và ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Tại thị xã Gò Công từ sáng sớm Mùng 1 Tết đã nghe tiếng trống lân khác hẳn không khí ngày thường - bởi vì ngày thường khi có lễ hội mới nghe thấy tiếng trống lân trong bối cảnh mọi sinh hoạt đều diễn ra bình thường, các âm thanh tiếng động do xe cộ làm cho tiếng trống lân nghe không giống như ngày Mùng 1 Tết. Sau một đêm thức giấc đón giao thừa, sáng thức dậy nhìn thấy cảnh vật đẹp lạ thường, đường sá sạch sẽ do trước đó nhà nhà, người người đều tham gia dọn dẹp vệ sinh để đón mừng năm mới. Cũng chính do thức đêm đón giao thừa nên giấc ngủ còn lại vì thế mà sâu hơn và mọi người nghĩ rằng "phải nghỉ ngơi vui vẻ trong 3 ngày Tết". Chính vì vậy mà không gian sáng sớm mùng 1 Tết thật tĩnh lặng, không ồn ào náo nhiệt, tiếng trống lân rộn rã vang lên khắp xóm đến từng nhà mừng tuổi, cầu mong gia chủ hạnh phúc, an khang thịnh vượng, làm ăn phát tài.
Trong màn múa lân mừng tuổi ngày Tết, sắc thái thể hiện từng đội lân có khác nhau, nhưng vẫn thể hiện động tác múa theo nhịp điệu tiếng trống. Đây chính là nét nổi bật của đội lân làm cho người xem thích thú bởi những màn nhào lộn đầy tính nghệ thuật, hay như những màn trình diễn đẹp mắt leo tận trên cây cao để lấy những bao lì xì, do những gia chủ có ý muốn thử thách tài nghệ ông lân cùng sự hợp tác của ông địa và tính lém lỉnh tài ba của Tề Thiên khiến người xem phải suy nghĩ "không biết lân làm cách nào để lấy được bao lì xì (!)".
Có lần hỏi thăm các thành viên đội múa lân, chúng tôi được biết đây là những người yêu thích múa lân. Mỗi khi gần đến Tết Nguyên đán, mọi người rủ nhau tập hợp lại tập luyện vừa để phục vụ bà con, làm cho không khí ngày Tết thêm vui nhộn khi sắc xuân đã lan tỏa khắp mọi nhà.
Múa lân ngày Tết chính là một hoạt động văn hóa đặc sắc từ lâu đời của ông cha ta để lại cho con cháu ngày nay. Cho dù xã hội phát triển đến đâu chăng nữa thì hình ảnh ông lân, ông địa vẫn mang đậm tính dân gian trong lòng người dân Việt Nam. Điệu nhảy của lân nhanh nhẹn, dứt khoát trong các dịp lễ, Tết, khởi công, khánh thành, khai trương,... cho thấy sự phấn khởi, mau lẹ chắc chắn. Do đó, hình ảnh nhảy múa của lân đã nói lên được ý nguyện của mọi người ngay từ ngày đầu tiên năm mới.
Cảnh múa lân rình rang trên đường phố, hay vào sâu tận các các ngõ hẻm là một hoạt động không thể thiếu dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người có suy nghĩ: Lân đến nhà như là một điềm hên đầu năm, vì trên khuôn mặt ông lân, ông địa lúc nào cũng tươi vui hớn hở đem hân hoan đến cho mọi nhà. Đây cũng là điều ước chung của mọi người cầu mong năm hết, Tết đến "nhà nhà vui vẻ đón xuân sang, năm mới mọi chuyện đều tốt lành".
Văn phòng TP.HCM | Văn phòng Hà Nội |
2/18 Đoàn Thị Điểm - Q. Phú Nhuận Điện Thoại : 0977234398 Website : http://trongtruonghoc.net | 200C5 - Đại Kim - Hoàng Mai Điện Thoại : 0977.234.398 Email : Bomtanviet@gmail.com |