ĐOÀN LÂN NGHĨA TÌNH
Sau gần 3 thập niên gắn bó với nghề múa trống lân, Lương Tấn Hằng vinh dự nhận được danh hiệu Nghệ nhân Dân gian do Nhà nước trao tặng Trong tiếng trống rộn rã, những chú lân, sư tử, rồng... được tập trung về sân Nhà Thiếu nhi quận 11 - TPHCM tập dượt chuẩn bị cho chương trình đón Xuân Tân Mão. Nghệ nhân Lương Tấn Hằng trong vai trò tổng đạo diễn vừa điều phối chương trình vừa điều khiển những chú lân, rồng nhịp nhàng lên mai hoa thung (trụ sắt).
“Sắp tới, Đài Truyền hình TPHCM sẽ quay chương trình để phát sóng trong đêm giao thừa. Đầu năm, ai cũng muốn vạn sự may mắn nên không thể sơ suất”- nghệ nhân Lương Tấn Hằng tâm sự. Mê lân từ nhỏ Trên bàn làm việc của ông, hàng loạt hợp đồng phục vụ Tết đã được ký kết. Ngoài chương trình lớn là Liên hoan Nghệ thuật lân – sư - rồng mở rộng lần 11, đoàn lân còn phục vụ tại nhà riêng, doanh nghiệp... với lịch kín đến rằm tháng giêng.
Ông cho biết: “Ngày 19 tháng chạp, Hằng Anh Đường sẽ tổ chức chương trình khai quang điểm nhãn cho hơn 50 đầu lân mới. Những đầu lân này sẽ phục vụ dịp Tết năm nay”. Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, tuổi thơ của Lương Tấn Hằng là những ngày cơ cực mưu sinh bằng nghề bán vé số, phụ bán phá lấu. Mỗi khi Tết đến, thấy những đoàn lân biểu diễn là cậu bé Hằng không thể rời mắt. 11 tuổi, Lương Tấn Hằng tìm đến Tinh Anh Đường xin theo học võ. Ông nhớ lại: “Thầy tôi là Triệu Vi Vân thấy tôi mê lân nên đã dạy cho tôi võ thuật cùng với cách múa trống lân.
Tôi mê lắm nên tập ngày, tập đêm, người đầy vết bầm và trầy xước vì mai hoa thung”. Nghệ nhân Lương Tấn Hằng (bìa trái) với sản phẩm đầu lân thủ công xuất khẩu Sau thời gian miệt mài luyện tập, Lương Tấn Hằng đã được thầy truyền dạy đủ các ngón nghề của múa trống lân và được giao nhiệm vụ quản lý một đội lân con. “Những dịp Tết đến, tôi thường dẫn đoàn lân đi biểu diễn khắp các nơi. Chính trong những lần đi như vậy, tôi đã ấp ủ ước mơ đưa múa trống lân thành một nghề có thể kiếm sống cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như mình”.
Đưa Hằng Anh Đường xuất ngoại Năm 1986, ông chia tay Tinh Anh Đường để ra hoạt động riêng. Đoàn lân Hằng Anh Đường ra đời. Thời gian đầu, Hằng Anh Đường gặp nhiều khó khăn vì chưa có tên tuổi, ông cùng anh em đi biểu diễn miễn phí cho các gia đình, các tiệm khai trương. “Ngày ấy, tùy lòng gia chủ, họ cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, nhiều khi chỉ là một bữa cơm. Tuy vậy, chúng tôi không nản, vẫn cố gắng luyện tập để phục vụ khách tốt hơn”. Sự kiên trì, chịu khó của ông đã giúp đoàn lân Hằng Anh Đường dần được nhiều người biết đến, tiếng tăm ngày một vang xa.
Cho tôi xem những tấm ảnh mà ông phục vụ qua các lễ hội như Sài Gòn 300 năm, Đại hội TDTT TP hay các chương trình phục vụ giải trí: Vầng trăng cổ nhạc, mừng lễ Phật đản tại Khu Du lịch Đại Nam,... ông không khỏi tự hào. Mới đây, Hằng Anh Đường là một trong những đoàn lân được Trung Quốc mời sang biểu diễn tại Quảng Châu. Nhưng có lẽ vui nhất với ông là chuyến sang Nhật Bản trình diễn trong lễ hội truyền thống múa lân diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-2010. Có được chuyến đi này cũng là cơ duyên của ông.
Nghệ nhân Lương Tấn Hằng bộc bạch: “Tôi luôn mong ước đưa nghề múa lân Việt Nam sánh vai với các nước trong khu vực. Bắt đầu từ năm 2011, tôi đã tái lập sân tân võ để các đoàn lân có thể biểu diễn, thi thố tài năng. Ngoài kinh phí hỗ trợ cho các đoàn, tôi sẽ dành khoản phí giúp đỡ cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ. “Hôm đó là mùng 1 Tết Canh Dần, tôi múa lân phục vụ tại khách sạn New World cho nhiều du khách nước ngoài xem.
Ngay sau phần biểu diễn, có người đàn ông gọi điện hỏi chương trình diễn hôm sau để được tiếp tục xem. Tôi không ngờ người đó lại là chuyên gia của Bộ Văn hóa Nhật. Khi ông ấy gửi lời mời đoàn sang Nhật trình diễn, tôi rất bất ngờ”. Giúp nhiều người sa ngã làm lại Từ vài chục thành viên ban đầu, đến nay Hằng Anh Đường đã có hơn 100 võ sinh, trong đó 30% là trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Ngoài ra, Hằng Anh Đường cũng đã đào tạo trên 70 lớp múa lân cho hơn 1.000 thành viên. Ông cũng đã biến Hằng Anh Đường trở thành một thương hiệu nghệ thuật cho ngành giải trí. Ngoài lĩnh vực múa lân - sư - rồng, Hằng Anh Đường còn xuất khẩu đầu lân, sư, rồng thủ công sang các nước. Danh hiệu Nghệ nhân Dân gian được Nhà nước công nhận là một vinh dự lớn cho ông vì có nhiều đóng góp cho hoạt động lân - sư - rồng của TPHCM.
Đến với Hằng Anh Đường, nhiều thanh niên có quá khứ tối tăm đã trở thành những thanh niên tốt, sống có ích. Hiện nhiều học trò của ông cũng đã ra riêng, mở cơ sở ở quận 1 (TPHCM), Lái Thiêu (Bình Dương), Tiền Giang. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là cách đây 5 năm, ông đã tổ chức lễ cưới cho học trò Huỳnh Hoài Chung. Trước đó, Chung đã có một thời ngang dọc. “Không chỉ giúp tôi hoàn lương mà ngay cả chiếc xe máy đầu đời của tôi cũng do thầy Hằng bỏ tiền túi mua cho. Thầy cũng không ngần ngại truyền lại cho tôi những tuyệt chiêu trong ngành võ” - Chung tâm sự. Còn Nguyễn Thanh Thịnh, 16 tuổi, ở huyện Hóc Môn, thành viên nhỏ nhất được biểu diễn ở Nhật vừa qua, nói: “Nhờ thầy mà em không phải sống lang thang rày đây mai đó. Em đã có cuộc sống ổn định, không phải lo lắng như trước đây”.
Văn phòng TP.HCM | Văn phòng Hà Nội |
2/18 Đoàn Thị Điểm - Q. Phú Nhuận Điện Thoại : 0977234398 Website : http://trongtruonghoc.net | 200C5 - Đại Kim - Hoàng Mai Điện Thoại : 0977.234.398 Email : Bomtanviet@gmail.com |