NỖI NHỚ TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG
Mải lo toan với bao nhiêu chuyện của đời thường, đôi khi chúng ta quên hẳn những việc tưởng chừng như đơn giản nhưng cứ theo ta suốt cuộc đời. Điều đơn giản đó có lẽ không chỉ của riêng tôi, mà cả với những ai đã qua thời đi học đều nhớ khi nghe nó trỗi lên - tiếng trống trường. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nghe thầy cô thỉnh thoảng nói với cả lớp: sau này khi ra đời các em sẽ thấy thời đi học là cả một quãng thời gian đẹp và đáng nhớ. Khi đó, tôi nghĩ thầm, suốt ngày vật lộn với bài vở thì có gì đâu mà nhớ. Từ khi ra trường, bôn ba với cuộc sống, vật lộn không ngơi nghỉ với những khó khăn, nghĩ đến câu nói ngày xưa sao thấy đúng quá, và hôm nay, chợt nghe tiếng trống trường, những kỷ niệm thời còn đi học theo nhau hiện về trong tôi, tất cả như mới hôm qua.
tiếng trống trường
Lâu lắm rồi, có lẽ phải trên 30 năm tôi mới nghe lại tiếng trống trường thân thương giữa vùng quê hương yên vắng. Lại liên tưởng đến bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh, tôi hầu như không còn hiện hữu giữa thì hiện tại mà đang sống về quá khứ. Ngày đầu tiên đi học, tôi cũng đi bộ đến trường trên con đường làng dài và hẹp, con đường này tôi đã đi lại nhiều lần nhưng bỗng dưng thấy lạ, và đến trường, sự hồi hộp tăng lên khi nghe tiếng trống, khi phải xếp hàng vào lớp, rồi chợt rơm rớm nước mắt khi chỉ còn một mình vào lớp, không có người thân…
Thời gian cứ trôi đi nhưng những bài học đánh vần đầu tiên vẫn nhớ mãi: a cái nhà, ă cái khăn, â mâm cơm, ư bộ lư… Nghĩ lại việc học của các con bây giờ sao khổ sở quá, cách đánh vần cứ thay đổi, học sinh tiểu học phải mang chiếc cặp nặng hơn cả trọng lượng cơ thể và phải học thêm ngay từ... lớp 1! Thời gian cứ trôi cho đến khi tôi lên lớp 9, tiếng trống trường vẫn ngày mấy lượt trỗi lên để báo hiệu giờ ra chơi, ra về, giờ vào lớp. Những ngày ấy chúng tôi chỉ biết học và học và kiến thức mà các thầy cô truyền dạy thì phong phú vô cùng.
Cứ mỗi bài giảng từ văn, sử, địa… đều rất sinh động dù chẳng có đèn chiếu, vi tính như bây giờ. Lúc đó trong chúng tôi hình ảnh thầy cô rất thiêng liêng. Trong giờ thi đệ nhất lục cá nguyệt, đệ nhị lục cá nguyệt (học kỳ 1 và học kỳ 2 bây giờ), không khí phòng thi im phăng phắc. Thầy giám học chỉ đi tới đi lui tất cả các phòng thi nhưng học trò thì sợ xanh mặt, dù không ai dám nghĩ tới lật tài liệu, thật là đúng nghĩa với việc thi cử. Sách giáo khoa thì năm trước người anh học để lại năm sau em tiếp tục học. Mùa hè thì vô tư đi bắt dế, câu cá, chơi đùa thỏa thích. Sau ngày giải phóng, tôi vào lớp 10. Từ đây, tiếng trống trường thay bằng chuông điện, hiện đại hơn, có lẽ do không gian trường quá rộng không thể dùng trống như xưa. Dần dà chúng tôi quen với tiếng chuông điện và quên hẳn tiếng trống, nhưng phong cách dạy và học vẫn không thay đổi nhiều, các thầy cô cũ vẫn còn đứng lớp và học trò thì vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình là phải học tốt.
Ở những vùng quê nơi chúng tôi sinh ra, được đi học là niềm hạnh phúc lớn lao, do đó tất cả thì giờ chúng tôi chỉ dành cho viêc học mặc dù điều kiện sống thiếu thốn trăm bề. Đêm chong đèn dầu để học, ngày đi bộ đến trường, về nhà còn phải nhổ mạ, cuốc đất… Nhưng chúng tôi học một cách say sưa và ganh đua nhau từng điểm. Mỗi môn học đều đem đến sự thú vị và hữu ích thông qua cách giảng bài thật sinh động của thầy cô. Việc thi cử cũng nhẹ nhàng vì hàng ngày đã học hết cả bài học lẫn bài tập. Thời gian này vui nhất là những ngày lao động toàn trường: đi đào kênh, đi trồng nấm rơm, ươm cây vườn sinh vật... Sau này có dịp trở về quê, nhìn dòng kênh xanh đang dẫn nước vào ruộng, cảm thấy vui vì có sự đóng góp của mình trong những giờ lao động khi xưa.
Lời bình : là người việt nam ai cũng từng trải qua tuôi thơ , trong tuổi thơ ấy ta có dư âm cua tiếng trống trường, trống gọi ta đến lóp , gọi ta thi đua học tập , nó theo ta cả một tuôi học trò, khi ta lớn không còn thường xuyên nghe thấy tiếng trống trường , nhưng khi nghe thấy tiếng trống thì bao kỷ niêm , ký ức về tuổi thơ trong ta trỗi dậy, làm cho ta không khỏi bồn chồn sao xuyên