TRẦM BỔNG TIẾNG TRỐNG LÀNG ĐỌI TAM
Đến nay, trải qua hàng nghìn năm, người dân Đọi Tam vẫn lưu giữ và làm giàu thêm vốn nghề truyền thống của tổ tiên. Tháng 10-2004, tỉnh Hà Nam cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống tiểu thủ công cho Đọi Tam. Tháng 11-2007, làng được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao bằng khen "Làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Cả hai chiếc trống hội lớn nhất mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đều do những bàn tay người thợ Đọi Tam tạo tác.
dàn trống từ làng nghề trống đọi tam
Duyên nghiệp
Cuối năm, thời gian nông nhàn cũng là dịp cả làng Đọi Tam (Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) vào vụ trống. Chuẩn bị cho "Tháng Giêng là tháng ăn chơi...", khách thập phương tìm về Đọi Tam đặt thợ bưng trống đủ các loại kích cỡ. Một số thợ trống thích ngao du lại khăn gói bầu đoàn thê tử rong ruổi tứ phương, đến tận nơi có nhu cầu để làm trống cho thiên hạ.
Chỉ cần gần đến chân núi Đọi là du khách đã nghe thấy bập bùng tiếng thử trống, rộn rịp tiếng xẻ gỗ, tiếng vào đanh tre khớp tang... Chẳng cần hỏi thăm cứ theo những âm thanh đó mà thẳng hướng là đến Đọi Tam. Đến đây, khách nào muốn tìm hiểu về nghề trống có thể dễ dàng gọi một chú bé chăn trâu lại, hay gặp chị đang thăm đồng hoặc đến bên một cụ già là đều có thể nghe tường tận lai lịch nghề trống.
Ngày xưa (vào năm 986), vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng làm lễ tịch điền khuyến nông. Lúc ấy, cụ Nguyễn Đức Năng đã 61 tuổi thuộc vào hàng cao niên trong làng. Để bày tỏ tấm lòng với đức vua, cụ Năng cùng với người em trai tự tay ngả một cây mít đại để làm tang, mổ hai con trâu mộng để lấy da, dựng một cái trống lớn mừng đón vua. Khi cất lên, tiếng trống rền vang như sấm, bởi vậy mà sau này dân gian tôn cụ Năng là Trạng Sấm. Theo nghệ nhân Phạm Chí Khang thì trong buổi lễ tịch điền ấy, Trạng Sấm còn được vua mời cày thi. Vì mến tài đức người thợ Đọi Tam này, vua đã tác thành cho lấy người con gái đẹp ở làng Tiên Phong gần đó.
Làng trống Đọi Tam đã có truyền thống nghìn năm, cũng bởi tiếng trống là âm thanh quen thuộc từ làng quê cho tới kinh thành. Tiếng trống cất lên cùng những buồn vui của người đời. Tiếng trống không thể thiếu trong mỗi kỳ hội lễ. Nhưng quan trọng hơn cả là người thợ Đọi Tam có được cái "duyên nghề". Chỉ người Đọi Tam, bằng con mắt, bàn tay và tấm lòng người thợ mới chọn được những cây mít tốt để ngả lấy gỗ rồi công phu xẻ răm, chuốt răm rồi tính toán tỉ mỉ kích thước để khi vào tang thật khớp. Chỉ người thợ dưới chân núi Đọi này mới biết cách chọn trâu, làm thuộc da và bưng mặt thế nào cho tiếng trống có hồn trong đó. "Hơn hết phải có tình yêu với nghề. Nhà tôi đã năm đời làm trống, từ bé tôi đã theo chân bố tôi đến tận những mái đình xa xôi để nhận làm trống tại chỗ. Xong nơi này lại đi nơi khác", ông Khang kể tiếp: "Có nhiều gia đình vì hoàn cảnh phải tha phương, nhưng họ đã mang theo cả nghề trống đến nơi ở mới để lập nghiệp".
Đến nay, trải qua hàng nghìn năm, người dân Đọi Tam vẫn lưu giữ và làm giàu thêm vốn nghề truyền thống của tổ tiên. Tháng 10-2004, tỉnh Hà Nam cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống tiểu thủ công cho Đọi Tam. Tháng 11-2007, làng được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao bằng khen "Làng nghề tiêu biểu Việt Nam". Cả hai chiếc trống hội lớn nhất mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đều do những bàn tay người thợ Đọi Tam tạo tác.
Hướng ra thị trường
Ông Phạm Chí Khang cho biết, hiện cả làng có 14 cơ sở sản xuất khung trống, 13 cơ sở sản xuất da trâu, hơn 10 cơ sở làm hoàn chỉnh. "Trẻ con ở làng Đọi Tam, lên 10 tuổi đã có thể biết sơ lược về cách làm trống. Nhiều em học sinh cấp hai, cấp ba ngoài giờ đến lớp còn ở nhà giúp gia đình làm rất nhiều loại trống khác nhau... với đường kính từ 20 cm cho tới 2 m. Thu nhập từ làm trống của các em và một số thợ trung bình được khoảng một đến hai triệu đồng một tháng. Với thợ giỏi cũng được ba đến bốn triệu đồng".
Đến Đọi Tam bây giờ tuyệt nhiên không còn thấy tiếng xì xoẹt xẻ gỗ bằng cưa tay, thay vào đó là tiếng cưa máy, bào máy, đánh giáp máy. Tất nhiên khi áp dụng công nghiệp hóa vào sản xuất sẽ tăng hiệu quả làm việc lên rất cao, nhất là về số lượng và kéo theo lợi nhuận. Nhưng có thể cũng vì thế mà sản phẩm mang tính văn hóa này sẽ nhanh chóng trở thành hàng hóa, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Máy móc cũng giúp tiết kiệm thời gian và công sức của người thợ. Cũng từ đó, làng trống Đọi Tam không thể chỉ thụ động trông chờ vào các hợp đồng sản xuất như trước, mà mạnh dạn cho ra đời một số loại sản phẩm mới nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.
Anh Phạm Chí Long, con trai của nghệ nhân Phạm Chí Khang, đã tách ra mở một cơ sở sản xuất riêng cho biết, làng nghề làm trống truyền thống quê anh đã biết hướng tới thị trường để sản xuất thêm những sản phẩm phù hợp. Hai loại sản phẩm là bình rượu và bồn tắm bằng gỗ hiện đang được khách hàng ưa chuộng. Ông Khang cũng chia sẻ ý tưởng sẽ làm những bộ bàn ghế uống trà theo mô hình những cái trống.
Mấy năm gần đây, ngoài trống, Đọi Tam đã xuất đi hàng nghìn sản phẩm là bình rượu, bồn tắm... cho khách hàng cả trong và ngoài nước. Với việc cho ra đời sản phẩm mới, gần sáu trăm lao động trước kia chỉ chuyên sản xuất trống, công việc không ổn định thì nay đã có việc làm thường xuyên với mức thu nhập tương đối khá. Anh Lê Ngọc Hùng, chủ một cơ sở sản xuất trống cho rằng, việc sản xuất bình rượu và bồn tắm cũng đòi hỏi sự tinh tế của tay nghề không kém gì làm trống.
Trước mắt thì "đầu ra" của trống Đọi Tam chưa đáng lo ngại, nhưng để bảo đảm cho việc giữ gìn bản sắc của làng nghề lâu dài, chỉ dựa vào nỗ lực của mỗi người thợ là chưa đủ. Trong khi đó, sự đòi hỏi nhất thời của thị trường ở những mặt hàng khác có lợi nhuận cao hơn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến làng nghề và cách làm trống truyền thống. Mang tâm sự này chia sẻ với nghệ nhân Phạm Chí Tịnh, người đã đem nghề trống Đọi Tam ra Hà Nội lập nghiệp từ hồi trai trẻ, ông trăn trở: Tôi nghĩ, nhiều thanh niên làng trống hôm nay có khả năng nhạy bén với thị trường, sáng kiến một số sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng là tốt. Nhưng cũng không nên vì lợi nhuận mà quên câu "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Trống Đọi Tam đã được truyền nghề qua hàng nghìn năm, vì vậy mà thế hệ trẻ càng phải có ý thức giữ gìn.
Rời Đọi Tam, khi đi ngang qua sân đình, du khách sẽ nghe bổng trầm tiếng trống được tấu lên từ dàn trống hội bởi những nam thanh nữ tú, dưới sự hướng dẫn của các bậc cao niên. Đó là đội trống của làng đang tập luyện để chuẩn bị cho một mùa xuân mới. Khung cảnh đó đã khiến những băn khoăn của khách đường xa lúc chia tay Đọi Tam dần ấm lại và khấp khởi những hy vọng về việc bảo tồn tinh hoa của một làng nghề cổ.
(theo: QDND)
DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN TRỐNG TÂN VIỆT
Địa chỉ : Làng nghề Trống Đọi Tam - Đọi Sơn - Duy Tiên - Hà Nam
Điện Thoại : home 03513.838.741 mobi 0977234398
Văn phòng giao dịch : 200C5 Khu Đô Thị Mới - Đại Kim - Hoàng Mai - Hà Nội
Điện Thoại 0983806917