TRỐNG ĐỌI TAM TRÊN MIỀN ĐẤT CAO NGUYÊN DAKLAK
Ít có ai nghĩ ngay tại xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) lại có nghề trống làng Đọi Tam (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam); trống của người dân nơi đây không chỉ có mặt tại Dak Lak mà còn đi đến các tỉnh lân cận như Phú Yên, Lâm Đồng, Gia Lai, Dak Nông, thậm chí xuống tận TP. Hồ Chí Minh. Đó là nghề trống của một số hộ dân ở thôn Duy Lễ.
Ông Lê Thế Oánh, người cựu chiến binh đã có công khởi nghiệp nghề làm trống từ những năm 1987 ở nơi này cho biết: Làng Đọi Tam là một làng có nghề làm trống nổi tiếng của đồng bằng Bắc bộ. Tương truyền, năm 986, để chuẩn bị đón vua Lê Đại Hành về làng làm lễ tịch điền dưới chân núi Đọi, khi ấy cụ Nguyễn Tiến Năng và người em là Nguyễn Tiến Đạt biết tin đã đốn cây mít xẻ ra thành các mảnh, ghép lại và lấy da trâu bưng kín làm trống. Tiếng trống đón vua vang lên hào hùng ngân xa. Kể từ đó nghề trống làng Đọi Tam được ra đời.
Các nghệ nhân làng Đọi Tam đang chế tác trống.
Theo anh Bùi Văn Tuyên, sinh năm 1972 – nghệ nhân làm trống trẻ nhất thôn Duy Lễ cho hay, nghề làm trống của làng Đọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở mọi miền đất nước, vừa làm ra sản phẩm, vừa phải cất công đi đến từng nơi, giới thiệu mặt hàng trống ra thị trường.
Mấy năm trước đây, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên công việc làm trống vẫn đang còn thủ công, manh mún; hơn nữa do chưa quen thị trường nên trống làm ra tiêu thụ rất khó. Mỗi năm tiêu thụ nhiều nhất cũng chỉ từ 50-70 chiếc. Những năm gần đây, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân được cải thiện, mặt khác các lễ hội văn hóa dân gian, hoạt động tín ngưỡng, mỹ tục được khôi phục, tiêu chuẩn về hiệu lệnh tại các trường học được thống nhất… nên nhu cầu trang bị trống theo đó cũng được tăng cao. Nhờ vậy không chỉ trong tỉnh, nhiều nơi như Lâm Đồng, Gia Lai, Phú Yên, Dak Nông, kể cả TP. Hồ Chí Minh cũng tìm đến thương hiệu trống thôn Duy Lễ để đặt hàng.
Họ đặt rất nhiều chủng loại: trống chèo, trống trường, trống trung thu, trống con, trống cóc…; mỗi năm tiêu thụ hàng trăm chiếc. Bên cạnh đó, điều thuận lợi cho phát triển nghề trống trên địa bàn Dak Lak là có nguồn nguyên liệu dồi dào. Cây mít được nhân dân nơi đây trồng tương đối nhiều. Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù nên gỗ mít ở đây rất săn chắc, chất lượng, đáp ứng cho việc dùng để tạo tác ra trống. Bên cạnh đó lượng trâu nuôi trên địa bàn tương đối lớn, nên nguồn cung cấp da để làm trống không bao giờ cạn. Các yếu tố đó góp phần làm cho giá thành sản phẩm làm ra thấp hơn so với các địa phương khác.
Để làm được một chiếc trống đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và am tường nghề của người thợ. Một chiếc trống hoàn chỉnh thường qua ba bước gồm: làm da, làm tang và bưng trống. Trong đó khâu quan trọng nhất là chọn gỗ. Như trên đã nói, gỗ làm trống thường được lấy từ cây mít. Đây là loại gỗ dẻo, mềm có đặc tính nhẹ, xoắn thớ khi đóng không bị cong vênh hoặc nứt; gỗ mít cũng ít bị co giãn và có sức đàn hồi tốt nên giữ được hình dáng nguyên vẹn, khi sử dụng âm thanh không bị vỡ.
Gỗ mít càng già thì âm thanh càng đanh, vang và rất trầm hùng. Gỗ làm trống được cắt làm nhiều khúc, sau đó pha thành từng dăm. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như độ cong, độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít, không có khẽ hở. Những chiếc dăm trống được khép khít và mài nhẵn tới mức mắt thường khó có thể nhìn thấy vết ghép. Để trống thật kín, người ta còn dùng sơn miết vào các khe, cứ một lớp sơn lại có một lớp vải chèn. Khâu cuối cùng đặc biệt quan trọng là bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống. Người thợ dùng đinh chốt được làm từ vầu hoặc thân tre già đóng cố định vào thân trống. Da được chọn để làm trống phải là da trâu, đem bào hết lớp màng, ngâm nước và xử lý kỹ càng rồi phơi khô, sau đó được lọc mỏng để bịt trống.
Ngoài công việc dựng tang trống và căng da, người thợ còn là một nghệ nhân thực thụ có khả năng thẩm âm tốt. Cũng trên mặt trống đó thôi, bằng sự tác động khác nhau của người thợ, âm thanh trống vang lên mang theo những cung bậc tình cảm đa dạng. Tiếng trống hội làng giục giã, tiếng trống đến trường thì thôi thúc, tiếng trống trầm hùng trong thời khắc giao thừa, tiếng trống tiễn người về nơi chín suối nghe mênh mang, buồn thương… Bao nhiêu tiếng trống là bấy nhiêu tiếng lòng, tiếng gọi, tiếng gần gũi trong tâm thức người Việt.
Ông Lê Thê Oánh tâm sự: “Tôi đã được tổ tiên truyền lại nghề khi còn nhỏ. Bây giờ nghề đã ăn sâu vào máu thịt, trong tiềm thức của tôi rồi. Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn căn dặn con cháu phải giữ gìn giữ và bảo tồn nghề truyền thống, bởi đây là một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt để người dân chúng tôi có đủ điều kiện thành lập làng nghề, tăng thêm thu nhập khi nông nhàn và cũng để lưu giữ, truyền nghề cho con cháu mai sau”.
Văn phòng TP.HCM | Văn phòng Hà Nội |
2/18 Đoàn Thị Điểm - Q. Phú Nhuận Điện Thoại : 0977234398 Website : http://trongtruonghoc.net | 200C5 - Đại Kim - Hoàng Mai Điện Thoại : 0977.234.398 Email : Bomtanviet@gmail.com |